9/03/2011

Ngôn & Ngữ (C:/ Drive)


 
Xin được nói ngay ở đây, người viết không có tham vọng lạm bàn về lãnh vực ngữ học qua bài viết này mà chỉ xin được tạm thời định nghĩa một cách đơn giản nhất cho hai từ ngữ này, để từ đó, có thể tản mạn về một khía cạnh khác của hai từ ngữ đó.
Như vậy, một cách đơn giản nhất, ngôn là lời nói và ngữ là chữ viết.
Nếu bạn đọc, tạm đồng ý với người viết về hai định nghĩa trên, xin mời đọc tiếp...
Một điều hiển nhiên, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để thông tri, giao tế với những người chung quanh, ngôn ngữ là những gì thiết yếu nhất cho mọi người trong chúng ta. Nó là thứ khí cụ duy nhất,  giúp ta truyền đạt tư tưởng, san sẻ thông tin và có thể xa hơn nữa, biểu lộ tình cảm hay nói lên những nguyện vọng, nhu cầu của ta. Nói tóm lại, ngôn ngữ thật là thiết yếu cho con người, trong mọi sinh hoạt xã hội hàng ngày. Xin mở một dấu ngoặc để nói thêm ở đây, trong một vài trường hợp hoặc trạng huống đặc biệt, con người, không thể sử dụng phương cách trên đây, đó chính là những lúc, người ta phải dùng...thủ ngữ (hay nói khác đi là "nói chuyện bằng tay")
Ngôn Ngữ, có khi đi song song, có khi đi riêng lẻ, lại có khi “kẻ trước, người sau”, để hỗ trợ cho nhau, làm tròn nghĩa vụ truyền thông! Trong mỗi vị trí nói trên, Ngôn hoặc Ngữ, đều có những chỗ đứng hoặc tư thế riêng biệt của nó...
Khi Ngôn Ngữ đồng hành.
Xin tạm dùng một ví dụ, để có thể diễn giải vị trí và tư thế của NgônNgữ trong trường hợp này một cách cụ thể hơn. Đó là trường hợp của sách, báo in ấn (Ngữ) và Audio Book (Ngôn).
Như chúng ta đã biết, trong thời gian gần đây, để đáp ứng kịp thời với nhu cầu mở mang kiến thức, nhu cầu bồi bổ món ăn tinh thần, người ta đã nghĩ tới chuyện phát hành Audio book. Vì audio book giúp người sử dụng  tiết kiệm được thời gian rất nhiều, nhất là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, trong thời đại mà mọi người phải tiết kiệm từng giây từng phút cho công ăn việc làm cũng như giảm thiểu tới mức tối đa cho nghỉ ngơi, thư giãn...Điều dễ hiểu là, với nửa tiếng lái xe, hay ngồi trên xe lửa, trên đường đi làm, ta đã nghe xong một tác phẩm văn chương, mà khỏi phải mỏi mắt đọc nó (nhất là khi đọc sách, khó có thể đồng thời làm một việc khác, ngoại trừ một vài trường hợp thật đặc biệt) và, ta đã dư ra nửa tiếng để làm chuyện khác...
Đây chính là một trường hợp của Ngôn Ngữ đồng hành. Tức là người ta vẫn lưu hành các tác phẩm in ấn, đồng thời cũng có một audio book để diễn đọc chính các sách báo hoặc tác phẩm văn chương đó.
Một điều mà người viết muốn tản mạn ở đây chính là chỗ, liệu Ngôn, có thể thay thế vị trí của Ngữ trong trường hợp này hay không? Để chúng ta có thể dùng được nửa tiếng của thời gian khỏi phải đọc sách này, tạo ra..."vàng bạc" hoặc ít ra, cũng tiết kiệm được tiền bạc trong việc in ấn? Xin thưa ngay, có lẽ là không! Theo tôi, Ngôn không thể thay thế Ngữ trong trường hợp này.
Vì, khi ta đọc một quyển sách, khác hẳn khi ta nghe người khác, đọc chính quyển sách đó. Nhất là khi người đọc, lại không phải là tác giả của tác phẩm đó. Bản thân người viết đã có dịp "chiêm nghiệm" điều này, đã từng đọc và cũng từng nghe (thậm chí chính tác giả đọc) một số truyện dài, truyện ngắn của một nhà văn nổi tiếng, đương thời. Đương nhiên, văn chương của mình viết ra, tác phẩm là sản phẩm của chính mình, thì khi đọc, giọng đọc lúc lên bổng, khi xuống trầm, chỗ ngưng, chỗ nghỉ đều hoàn toàn do mình kiểm soát được. Thế nhưng, tôi vẫn thấy có cái gì khang khác...Chỉ vì, khi ta đọc một cuốn sách, ta đã để hồn mình vào tác phẩm đó, ta đã dùng đầu óc của mình, để mường tượng, để hình dung ra những khung cảnh, những diễn tiến của nội dung câu chuyện, để "thấm ý" tác giả, còn khi ta nghe, âm thanh cứ liên tục qua tai, dẫn tới não bộ của ta. Khi ta chưa kịp mường tượng, chưa kịp hình dung, đã phải tiếp nhận âm thanh kế tiếp rồi. Điều này cũng nói lên được, một đoạn văn muốn viết cho hấp dẫn, muốn tạo ấn tượng cho người đọc thì đoạn văn ấy, phải xúc tích, dùng chữ phải chính xác và nhất là phải tượng hình!
Cũng xin mở một dấu ngoặc ở đây, để nói thêm rằng, khi nghe đọc một truyện ngắn (hay truyện dài), ta phải chú tâm nhiều hơn như khi nghe một bản nhạc.
Hoặc giả, tiến trình dung nạp của não bộ, từ thính giác có hơi khác so với cũng tiến trình đó, từ thị giác chăng?

Khi Ngôn và Ngữ đi riêng lẻ.
Xin mượn tạm một thí dụ khác, trong quan hệ lứa đôi chẳng hạn. Khi còn là tình nhân, người ta thường dùng Ngữ nhiều hơn Ngôn, như thư tình cho nhau, email hoặc SMS….Nhưng  khi đã là vợ chồng, chúng ta ít khi sử dụng Ngữ với nhau mà 99% những gì ta trao đổi với nhau, đều dùng Ngôn. Từ những lời ngọt ngào thương yêu, ta trao cho nhau cho chí những lời cay đắng cho nhau và thậm chí..."khẩu chiến"  với nhau, đều dùng Ngôn.
Cái 1% lẻ loi khi ta phải dùng Ngữ, đó chính là khi hai ta, vì một lý do nào đó đang bắt đầu một cuộc "chiến tranh lạnh" hay bắt đầu “tịnh khẩu” với nhau. Khi đó, trong một hoàn cảnh vạn bất đắc dĩ, ta đã phải trao đổi với nhau bằng Ngữ.  Hãy tưởng tượng, một mẩu  tin nhắn ngắn của một ông chồng trong hoàn cảnh này, gửi cho vợ. Mẩu tin nhắn đó, có thể được viết trên một mẩu giấy nhỏ, có thể là vài dòng chữ dùng phương tiện SMS của điện thoại cầm tay, có thể là vài dòng email, vài dòng chit chat v.v...
Trường hợp dùng Ngữ này, đôi khi lại có một tác dụng thuận lợi, vì nó có thể chấm dứt chiến tranh, đem lại hoà bình cho đôi bên, hạnh phúc có thể còn thắm thiết hơn xưa... Vì những câu xin lỗi, hay mỏi miệng năn nỉ, chưa chắc đã hiệu qủa bằng vài dòng nhắn tin. Nếu những dòng tin nhắn này, có một tác dụng tâm lý nào đó. Một ví dụ: " Em thương yêu...Tối qua, đi làm về, biết nhà không có gì ăn, anh đã ghé mua 2 phần mì xào dòn (món em thích nhất). Chờ hoài chẳng thấy em ra ăn, mệt qúa, ngủ vùi trên sofa. Bỏ thùng rác giùm anh! Sáng nay vội qúa. Lại đi làm trễ nữa rồi!”

Ngôn ngữ bổ xung cho nhau.
Ta đang đi tìm việc làm. Để nộp đơn xin việc, ta phải gửi bản resume thích hợp nhất cho công việc đó. Ta đã dùng Ngữ. Cơ quan tuyển người, đọc bản resume thấy được, gọi ta đi phỏng vấn. Tức là Ngữ đã dọn đường cho Ngôn. Nhờ có chuẩn bị, ta đã trả lời lưu loát trong cuộc phỏng vấn. Ta được việc. Ở đây, Ngôn và Ngữ, đều làm chung một sứ mệnh là "đánh bóng" cái ta, làm cho người phỏng vấn thấy rằng, ta thích hợp nhất cho công việc đó.

Ngôn ngữ khó đồng tình.
Trong cuộc đối thoại với một người xa lạ, hay với một người bạn đã lâu năm không gặp, khi ta nói một câu pha trò hay bông đùa, người đó rất dễ dàng thấm ý câu chuyện, hơn là khi ta viết ra, cùng câu chuyện đó cho người ấy đọc. Có thể khi diễn tả câu chuyện, ta đã dùng những thang âm khác nhau, để người nghe hiểu được, đó là một câu nói đùa. Nhưng khi viết ra thì lại khác. Chẳng thế mà có nhiều người cẩn thận, đã phải dùng cái "emoticon" đính kèm (cho nó rõ ý của người gửi hơn)!

CMD

                                                                                        
                                                                                                        Trở lại “Home”

No comments: